Trong SGK môn Tự nhiên và Xã hội 1 (Bộ sách Chân trời sáng tạo, giáo viên có thể thay đổi Bài 13: TẾT NGUYÊN ĐÁN bằng một lễ hội khác phù hợp với thực tế địa phương có được không?

SGK môn Tự nhiên và Xã hội 1 của bộ sách Chân trời sáng tạo được biên soạn theo hướng mở, Chủ đề Cộng đồng địa phương trong môn Tự nhiên và Xã hội 1 là chủ đề tích hợp nội dung giáo dục địa phương rất cao. Khi các tác giả SGK thiết kế, lựa chọn nội dung đưa vào sách cũng chú ý rất nhiều đến tính đa dạng giữa các vùng miền tiêu biểu, đặc trưng nhất và cũng thiết kế các hoạt động mở để GV và nhà trường có thể lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào. Do đó, khi dạy một số nội dung trong chủ đề này, nhà trường có thể lựa chọn lồng ghép, tích hợp sâu hơn hoặc thiết kế nội dung bài học để khai thác những đặc trưng văn hoá tiêu biểu gắn với địa phương, vùng, miền của mình. Tuy nhiên, bài học vẫn phải đáp ứng mục tiêu và các yêu cầu cần đạt của môn học.

Ví dụ: Bài Tết Nguyên Đán, nhà trường có thể thay đổi nội dung bài học nhằm tích hợp giáo dục địa phương như sau:

  • Cách 1: Vẫn thực hiện giảng dạy theo tiến trình gợi ý trong SGK, tuy nhiên GV có thể đưa nội dung về lễ hội địa phương bằng cách tích hợp ở hoạt động liên hệ, vận dụng trong bài.
  • Cách 2: Thay đổi, thiết kế lại bài 13 bằng một lễ hội khác phù hợp với thực tế địa phương. Tuy nhiên, khi thay đổi, nội dung các tư liệu được sử dụng trong hoạt động phải đảm bảo tính khoa học, phù hợp với học sinh và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cần đạt như: (1) giới thiệu được tên, thời gian diễn ra một lễ hội truyền thống có sự tham gia của học sinh, gia đình và người dân ở cộng đồng; (2) Kể được một số công việc của các thành viên trong gia đình và người dân cho lễ hội đó; (3) Nêu được cảm xúc khi tham gia lễ hội đó.